Vì sao kiểm tra văn thường “đáng sợ”?
Kiến thức ngữ pháp thật khó: phân biệt câu đơn, câu ghép, từ láy, từ ghép…
Cách viết bị rập khuôn, dù học thuộc nhưng không thể nhớ hết để viết bài.
Không ít học sinh cho rằng Tập làm văn chỉ là môn học thuộc. Việc phải đọc, phải nghiền ngẫm những ngữ liệu dài cả trang giấy khiến các bạn cảm thấy vô cùng nhàm chán. Thế rồi mỗi lần kiểm tra lại đành “học vẹt”, nhồi nhét câu chữ thụ động. Điều này chính là nguyên nhân làm mất dần kỹ năng cảm thụ văn học, dập tắt sự sáng tạo, cá tính trong các bài viết.
Vậy có giải pháp nào để “cứu cánh” cho những vấn để trên?
1. Điều đầu tiên, cốt lõi của Văn học chính là việc đọc và tích lũy. Đọc sách, đọc truyện, đọc báo,... không chỉ làm tăng lượng kiến thức của bản thân mà đó còn là nguồn tài nguyên phong phú để bạn học hỏi cách diễn đạt, cách dùng từ khéo léo của các tác giả.
2. Nếu gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức trên trang giấy dày đặc chữ, các bạn hãy thử hệ thống chúng lại bằng sơ đồ tư duy. Cách này sẽ sắp xếp các nội dung chính trong bài một cách rõ ràng, trực quan, dễ nhớ, dễ hiểu.
3. Trước mỗi đề bài, không nên vội tìm văn mẫu để học thuộc mà hãy thử cố gắng luyện tập thói quen phân tích đề, gạch ra những ý chính cần có. Khi có thời gian rảnh các bạn nên mang những dàn ý đã lập ra và viết lại thành một bài văn hoàn chỉnh để sửa dần tâm lý ngại viết.
Hi vọng những gợi ý trên của CLB Cây Bút Nhí sẽ giúp các bạn không còn sợ môn Văn nữa. Các bạn hãy thử áp dụng với các môn học khác để việc học tập đạt hiệu quả cao nhất nhé!